Không chỉ ngân hàng TMCP tư nhân, 4 “ông lớn” ngân hàng quốc doanh là BIDV, Vietcombank, VietinBank và Agribank cũng đã nhập cuộc giảm lãi suất huy động lên tới 0,5 điểm phần trăm so với tháng 6, trong bối cảnh thanh khoản dồi dào mà tín dụng tăng trưởng thấp.
Đồng loạt giảm lãi huy động
Đầu tháng 7, nhiều ngân hàng giảm mạnh lãi suất huy động. Đáng chú ý, trong cuộc đua giảm lãi lần này có sự tham gia của các “ông lớn”.
Cụ thể, Vietcombank vừa quyết định giảm mạnh lãi suất huy động VND, với mức giảm lên tới 0,4 - 0,5 điểm phần trăm so với mức lãi suất niêm yết trước đó ở hầu hết các kỳ hạn.
Chẳng hạn, kỳ hạn 1 tháng và 2 tháng đang ở mức 3,7%, giảm 0,4 điểm phần trăm so với trước đó và thấp hơn rất nhiều so với mức trần 4,3%/năm. Kỳ hạn 6 tháng giảm từ 4,9%/năm xuống còn 4,4%/năm.
Tại các kỳ hạn dài hơn, từ 12 tháng đến 36 tháng, lãi suất tiền gửi cũng được điều chỉnh giảm mạnh 0,5 điểm phần trăm so với trước đó. Mức lãi suất huy động VND cao nhất tại Vietcombank chỉ còn 6,1%/năm thay vì 6,6%/năm trước đó.
Đáng chú ý, với khách hàng tổ chức, mức lãi suất cao nhất giảm hẳn xuống chỉ còn 5,5%/năm trên biểu niêm yết.
Tương tự, lãi suất tiết kiệm tại VietinBank cũng được điều chỉnh giảm ở nhiều kỳ hạn. Tại kỳ hạn 1 tháng đến dưới 3 tháng, lãi suất đang là 3,7%/năm, giảm 0,3 điểm phần trăm so với tháng 6. Trong đó, giảm 0,5 điểm phần trăm ở các kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 9 tháng, hiện lãi suất đang niêm yết là 4,4%/năm.
Với các kỳ hạn dài từ 12 tháng đến 36 tháng và trên 36 tháng đều được áp dụng chung mức lãi suất 6%/năm. So với tháng trước, lãi suất tiền gửi tại các kỳ hạn này giảm 0,5 điểm phần trăm.
Biểu lãi suất tại BIDV đầu tháng 7/2020 cũng có sự điều chỉnh giảm mạnh tại hầu hết các kỳ hạn. Trong đó, lãi suất huy động cao nhất hiện nay là 6%/năm áp dụng đối với các kỳ hạn từ 364 ngày và 12 tháng trở lên, giảm 0,5 điểm phần trăm so với tháng trước.
Tại Agribank, biểu lãi suất tiền gửi tiết kiệm so với đầu tháng 6/2020 có sự điều chỉnh giảm ở hầu hết các kỳ hạn. Trong đó, lãi suất huy động cao nhất hiện nay là 6%/năm áp dụng đối với các kỳ hạn từ 12 tháng trở lên.
Với khối ngân hàng TMCP, biểu lãi suất tại VPBank kể từ ngày 1/7/2020 cho thấy, lãi suất tiền gửi dành cho khách hàng cá nhân tại quầy giảm 0,2 điểm phần trăm so với biểu lãi suất trong tháng 6. Mức lãi suất online tại nhà băng nay cũng giảm tương ứng lên tới 0,2 điểm phần trăm so với tháng trước.
Theo biểu lãi suất huy động tại ACB mới cập nhật, các khoản tiền dưới 5 tỷ đồng kỳ hạn 1 tháng được điều chỉnh giảm từ 0,05 - 0,1 điểm phần trăm so với đầu tháng 6/2020 và dao động trong khoảng từ 4%/năm - 4,2%/năm.
Mức giảm này áp dụng tương tự với các khoản tiền gửi dưới 500 triệu đồng tại kỳ hạn 2 tháng và lãi suất sau điều chỉnh dao động 4,1%/năm - 4,2%/năm.
"Ứ tiền" - giảm lãi suất cho vay
Theo giới chuyên gia, lãi suất huy động giảm là do thanh khoản của các ngân hàng thương mại khá dồi dào, minh chứng là lãi suất trên thị trường liên ngân hàng liên tục giảm trong thời gian qua.
Trong khi đó, do tác động của đại dịch Covid-19, tín dụng tăng trưởng rất thấp và chậm nên khả năng hấp thụ lượng tiền gửi cũng hạn chế. Vì vậy, các ngân hàng phải điều chỉnh để cân đối chi phí.
Nhiều ý kiến nhận định mặt bằng lãi suất tiền gửi giảm sẽ thúc đẩy các ngân hàng giảm thêm lãi suất cho vay trong thời gian tới.
Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc Chính phủ với các địa phương vừa qua, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Lê Minh Hưng nhấn mạnh, từ nay đến cuối năm, mục tiêu của NHNN là kiểm soát và giữ ổn định kinh tế vĩ mô, nhưng vẫn đặt mục tiêu hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Ngành ngân hàng cam kết cung ứng đầy đủ, kịp thời vốn cho nền kinh tế, điều hành tỷ giá ổn định, sẽ có điều chỉnh kịp thời khi có biến động quá mức gây bất ổn vĩ mô.
NHNN cũng sẽ tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng triệt để tiết giảm chi phí, giảm lợi nhuận để giảm lãi suất cho vay, đảm bảo chất lượng tín dụng.
Như vậy, có thể thấy, việc các ngân hàng giảm lãi suất huy động nhằm mở rộng thêm những yếu tố để giảm lãi vay theo chỉ đạo của NHNN.
Hiện, mặt bằng lãi suất cho vay VND phổ biến ở mức 6 - 9%/năm với cho vay ngắn hạn; 9 - 11%/năm đối với cho vay trung và dài hạn.
Ngoài ra, ngành ngân hàng cũng tích cực hỗ trợ người dân và doanh nghiệp khắc phục hậu quả dịch bệnh Covid-19 và sớm trở lại hoạt động sản xuất kinh doanh sau dịch.
Tính đến 22/6/2020, ngành ngân hàng đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho gần 260.000 khách hàng với dư nợ gần 180.000 tỷ đồng; miễn, giảm, hạ lãi suất cho hơn 421.000 khách hàng với dư nợ xấp xỉ 1,3 triệu tỷ đồng; cho vay mới lãi suất ưu đãi với doanh số lũy kế từ 23/1 đến nay đạt 1,13 triệu tỷ đồng, lãi suất thấp hơn phổ biến từ 0,5 - 2,5% so với trước dịch.
“NHNN xem xét sửa đổi Thông tư 01 theo hướng gia hạn thời gian cơ cấu nợ đến cuối năm 2020, cũng như gia hạn cho những khoản nợ cho vay mới sau thời điểm Thủ tướng công bố dịch là 23/1; tăng hạn mức tín dụng cho các ngân hàng để tăng trưởng tín dụng”, Thống đốc khẳng định.
Theo Thanh Hoa/thoibaokinhdoanh.vn